Lượt xem: 246

Kế Sách triển khai hoạt động tọa đàm chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa bền vững vụ Hè Thu 2020

Từ nửa cuối tháng 8-2020 đến nay, Tổ thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) huyện Kế Sách đã tổ chức các lớp tập huấn theo phương pháp tọa đàm trực tiếp với nông dân tại các xã tham gia Dự án.

    Lớp tập huấn theo phương pháp tọa đàm trực tiếp với nông dân nhằm giới thiệu, chia sẻ thông tin, giải đáp những thắc mắc, những khó khăn trở ngại trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa bền vững “3 giảm - 3 tăng” (3G3T) và 1 phải - 5 giảm (1P5G) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép triển khai thực hiện trong dự án VnSAT tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để áp dụng vào sản xuất thực tiễn thành công.


Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Bá Quan

    Đối tượng tham gia lớp tập huấn là nông dân trực tiếp sản xuất lúa chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa thành công, chưa đạt tiêu chí kỹ thuật “3G3T”, “1P5G” và có nhu cầu học tập nâng cao kiến thức sản xuất lúa bền vững. Diễn giả tại các cuộc tọa đàm là những cán bộ, nhân viên kỹ thuật nông nghiệp có chuyên môn vững vàng, nhiều kinh nghiệm thực tế.

    Tại buổi tập huấn, tọa đàm nông dân nêu một số khó khăn khi gieo sạ thưa như: Tình trạng đại lý cung cấp lúa giống chưa đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận dẫn đến lúa lẫn xuất hiện ngày càng nhiều; tình trạng hạn, mặn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa; xuất hiện một số dịch hại mới trên lúa; việc san phẳng mặt ruộng khó thực hiện do gieo sạ đồng loạt dẫn đến thiếu máy làm đất; thiếu công cụ, thiết bị để gieo sạ thưa; một số khu vực trũng, khó thoát nước, ốc bươu vàng khó quản lý, vụ Đông Xuân sớm dễ bị thiệt hại khi gieo sạ gặp mưa bão. Đồng thời, nông dân cũng đề xuất ngành chuyên môn, chính quyền các cấp hỗ trợ thành lập các tổ chức nông dân để tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ, làm dịch vụ đầu vào, dịch vụ kỹ thuật, vận hành hệ thống cống bọng hợp lý; tiếp tục hỗ trợ tập huấn khi xảy ra các dịch hại, khó khăn mới.

    Các băn khoăn, thắc mắc, đề xuất của nông dân trong lớp tập huấn, tọa đàm được các diễn giả và chính quyền giải đáp đầy đủ, thấu đáo. Các diễn giả cũng thông tin cập nhật về dự án VnSAT trên địa bàn huyện Kế Sách và tỉnh Sóc Trăng, đặc điểm một số giống lúa mới, thời vụ gieo sạ vụ Đông Xuân sớm, kế hoạch liên kết với Công ty Dịch vụ Lộc Trời trong sản xuất và tiêu thụ lúa, yêu cầu về tiêu chuẩn lúa gạo và lợi ích khi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực…

    Nhờ các hoạt động thiết thực của dự án VnSAT như tập huấn chuyển giao, xây dựng mô hình, điểm trình diễn với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thực hành”, nông dân đã và đang chuyển từ tập quán canh tác sạ dày, lạm dụng phân bón, thuốc hóa học sang sạ thưa hợp lý, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ghi chép nhật ký đồng ruộng để sản xuất lúa hiệu quả và bền vững hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu gạo hiện nay.


Ruộng trình diễn kỹ thuật. Ảnh Bá Quan

    Trước khi tham gia tọa đàm, các học viên được giới thiệu và quan sát ruộng trình diễn sạ thưa với lượng giống từ 80 – 100kg/ha bằng máy phun hạt hoặc công cụ sạ hàng, cấy với lượng giống 50 – 60kg/ha; so sánh với ruộng đối chứng của nông dân sạ theo tập quán với lượng giống 170 – 200kg/ha. Chủ ruộng trình diễn cũng báo cáo về quá trình canh tác và so sánh hiệu quả kinh tế của ruộng trình diễn với ruộng đối chứng. Kết quả cho thấy tất cả các ruộng trình diễn đều thuyết phục nhờ giảm chi phí sản xuất, cho năng suất bằng hoặc cao hơn ruộng đối chứng, lợi nhuận tăng thêm từ 1,5 – 2 triệu đồng/ha.

    Ông Trần Văn Kiệt - chủ ruộng trình diễn tại ấp 9, xã Trinh Phú cho biết, việc sạ thưa bằng công cụ sạ hàng đem lại nhiều lợi ích như giảm chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí chăm sóc, dễ khử lẫn, năng suất và hiệu quả kinh tế cao; tuy nhiên, kinh nghiệm qua nhiều vụ sạ hàng ông Kiệt lưu ý: “Phải san phẳng mặt ruộng, quản lý ốc bươu vàng tốt và sử dụng giống xác nhận thì rất an tâm, hiệu quả cao”.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 72
  • Hôm nay: 1462
  • Trong tuần: 70,795
  • Tất cả: 11,864,822